HÉ LỘ THÔNG TIN HỮU ÍCH VỀ MẶT KÍNH ĐỒNG HỒ
Để bảo vệ tốt cho những chi tiết trên nền số và đáp ứng yêu cầu cụ thể về chế tác, mỗi hãng đồng hồ sẽ có sự chọn lựa khác nhau về chất liệu mặt kính. Rõ ràng, mỗi loại kính sẽ sở hữu những ưu nhược điểm khác nhau nhưng tại sao kính Sapphire lại được đánh giá là biểu tượng của chất lượng? Lịch sử hình thành và xuất hiện các loại kính đồng hồ như thế nào? Hãy cùng Đồng hồ Tân Tân khám phá.
1. Kính Mica (Acrylic Crystal) - mặt kính thường dùng trong đồng hồ homage, đồng hồ trẻ em hoặc đồng hồ giá rẻ
Mica có nguồn từ tiếng Latin, mang ý nghĩa: lấp lánh. Đây thực chất là một loại nhựa tổng hợp trong suốt với độ cứng đạt mức 300VK. Bên cạnh ưu điểm như giá thành rẻ, độ trong suốt tự nhiên và mặt kính lồi đặc trưng, chất liệu kính này có nhược điểm là rất dễ bị mờ đục và trầy xước qua quá trình sử dụng. Do đó, đến hiện tại chất liệu thường chỉ được sử dụng để thay mặt kính đồng hồ. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, vào thời hoàng kim của mình, kính Mica đã được sử dụng trong các sản phẩm của Omega, Poljot,.. Ngược dòng lịch sử, kính Mica ra đời từ thời kỳ đồ đá cũ, khoảng 40000 năm đến 10000 năm trước công nguyên. Trước khi mica được ứng dụng vào sản xuất kính đồng hồ, chúng được con người tìm thất trong hình dạng những tấm màu đỏ và màu đen, phân bố chủ yếu ở các vùng: Canada, Hy Lạp, Ai Cập,... Chất liệu này được ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực và trước khi có sự xuất hiện của các chất liệu mặt kính với nhiều ưu điểm hơn, Mica là lựa chọn số 1 cho các hãng đồng hồ thời bấy giờ. Hiện nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và vật liệu chế tác, hầu hết các thương hiệu đồng hồ chính hãng đều không còn sử dụng chất liệu này mà thay vào đó là các loại kính khác như: kính cứng, kính Sapphire, kính Hardlex.
2. Kính cứng (Mineral Crystal) được sử dụng rộng rãi trong sản xuất đồng hồ
Xét về mức độ phổ biến, kính cứng là chất liệu xếp vị trí thứ nhất. Màn kính này xuất hiện trên đa số mặt đồng hồ của mọi thương hiệu và được đánh giá khá cao về mặt chất lượng cũng như giá thành và mức độ phổ biến, dễ tìm mua. Từ thủy tinh vôi, kính cứng được tạo ra bằng cách trộn lẫn nguyên liệu này với khoáng chất, thêm vào một số phụ gia khác rồi nung ở nhiệt độ khoảng 600 độ C. Sau đó, hỗn hợp này sẽ được làm lạnh đột ngột, tạo ra mặt kính cứng với nhiều ưu điểm nổi bật: mức giá rẻ hơn so với kính Sapphire, độ trong suốt tốt, độ cứng cao (đạt mức 6 điểm trên thang Mohs), dễ dàng đánh bóng khi bị trầy xước. Nhắc đến kính cứng, chắc chắn không thể bỏ qua kính Hardlex-một loại kính cứng độc quyền, đánh dấu lãnh thổ của thương hiệu số 1 Nhật Bản-Seiko. So với kính cứng thông thường, kính Hardlex có khả năng chống trầy xước tốt hơn (đạt 7.5 điểm trên thang Mohs) bởi trong thành phần cấu tạo có chứa B2O3, trong khi đó ở kính thường là CaO. Nếu kính cứng được sử dụng rộng rãi trong đa số sản phẩm thì kính Hardlex hầu như chỉ xuất hiện trong các sản phẩm của thương hiệu Seiko như một dấu hiệu nhận diện đặc trưng.
3. Kính Sapphire - vinh danh chất lượng
Không phải ngẫu nhiên kính Sapphire lại trở thành lựa chọn số 1 của các thương hiệu. Trong tất cả những mẫu đồng hồ cao cấp, sự xuất hiện mặt kính Sapphire luôn là một điều tất yếu. Sapphire được tạo thành từ bột nhôm oxit, qua quá trình Verneuil để hình thành nên mặt kính sang trọng. Không giống như hai loại mặt kính trên, kính Sapphire mới chỉ được bắt đầu được đưa vào chế tác đồng hồ từ năm 1930 bởi hãng Jaeger Lecoultre. 30 năm sau đó, sản phẩm thời gian được trang bị kính Sapphire của thương hiệu Omega ra đời, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành công nghiệp đồng hồ trong quá trình sử dụng kính Sapphire thay cho màn kính cứng quen thuộc. Ngay tại thời điểm chuyển giao, việc gia công vật liệu để sản xuất kính Sapphire gặp nhiều khó khăn, dẫn đến chi phí cao nên chất liệu này chưa được sử dụng rộng rãi trong chế tác. Mãi đến giữa năm 1980, khi thương hiệu Rolex trang bị kính Sapphire cho hầu hết sản phẩm của mình thì chúng mới trở nên phổ biến rộng rãi. Để tạo nên màn kính Sapphire chất lượng, đáp ứng những yêu cầu về mặt thẩm mỹ, mỗi hãng sả xuất sẽ có những bí quyết về công nghệ riêng. Có thể điểm danh một số công nghệ đã được các hãng áp dụng thành công như: phương pháp sử dụng ngọn lửa phản ứng tổng hợp của Verneuil, phương pháp phát triển tinh thể CZ của Jan Czochralski, phương pháp Heat Exchanger Method,... Mỗi phương pháp cho ra đời tinh thể Sapphire với độ hoàn thiện khác nhau. Trong đó, phương pháp của Kyropoulos được đánh giá hiệu quả hơn cả khi cho ra đời những sản phẩm có đường kính tương đối lớn, phù hợp với yêu cầu chế tác, chất lượng quang học của tinh thể Sapphire cực tốt và độ tinh khiết rất cao, đáp ứng yêu cầu về mặt thẩm mỹ. Sở dĩ Sapphire được đánh giá cao bởi chất liệu này sở hữu những ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với kính cứng và kính Mica:
- Thứ nhất, về độ cứng: kính Sapphire đạt điểm 9 về độ cứng trên thang đo Mohs. Cao hơn hẳn so với mức 3 hay 6 điểm.
- Thứ hai, nhờ độ cứng cao, kính Sapphire có khả năng chống trầy xước cực tốt, bảo về mặt số khỏi những tác động tiêu cực từ bên ngoài một cách hoàn hảo.
- Thứ ba, có khả năng chống ăn mòn tốt
- Thứ tư, độ trong của mặt kính đạt mức hoàn hảo.
Những ưu điểm trên dẫn đến chất lượng quang học của mặt kính Sapphire đạt mức gần như tối đa. Do vậy, không chỉ sở hữu những ưu điểm vượt trội về mặt vật lý, kính Sapphire còn là điểm nhấn về mặt thẩm mỹ cho bất cứ mặt số nào sở hữu nó. Qua màn kính trong suốt, mọi chi tiết hiện lên thêm phần sinh động và thu hút hơn.
Với tất cả những ưu điểm đó, dễ hiểu vì sao Sapphire trở thành biểu tượng của chất lượng. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rõ rằng, không phải loại kính Sapphire nào cũng được đánh giá cao về mọi mặt. Những ưu điểm chúng tôi vừa nhắc đến ở trên, chỉ đúng với màn kính Sapphire khối, còn ở Sapphire tráng mỏng hay tráng dày, chất lượng mặt kính sẽ không được như kỳ vọng, thậm chí còn kém xa mặt kính cứng thông thường. Kết lại, mỗi mặt kính đều có những mặt mạnh riêng, đáp ứng những yêu cầu nhất định về mặt chế tác. Với cương vị là người yêu thời gian, khi chọn mua đồng hồ, bạn hãy lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với mình, từ mục đích sử dụng đến giá thành. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý rằng: dù là kính Sapphire với nhiều ưu điểm tuyệt vời nhưng nếu bạn không giữ gìn, không bảo quản đồng hồ tốt thì chiếc đồng hồ sẽ khó lòng bền đẹp theo thời gian.
Nguồn: HÉ LỘ THÔNG TIN HỮU ÍCH VỀ MẶT KÍNH ĐỒNG HỒ
Nhận xét
Đăng nhận xét